VietstockVietstock

Dự báo thị trường 2025: Vì sao nên cẩn trọng với chúng?

Mùa dự báo thị trường cho năm mới lại đến, và như thường lệ, các ông lớn tại Phố Wall đang thi nhau đưa ra những con số dự báo cho chỉ số S&P 500 trong năm 2025. Những dự báo này nghe khá giống với những gì họ từng đưa ra trong vài năm qua, và thậm chí cả những năm trước đó nữa.

Nếu bạn cảm thấy có điều gì đó quen thuộc khi thấy mức dự báo tăng trưởng trung bình 9.1% cho năm 2025 từ các công ty môi giới, thì trực giác của bạn đã đúng. Trong 25 năm qua, 53% trong tổng số 376 dự báo được Bloomberg khảo sát đều tập trung trong khoảng từ 0% đến 10%.

Số lượng dự báo của các ngân hàng Phố Wall về S&P 500giai đoạn 2000-2024

Điều này có thể dễ hiểu nếu lợi nhuận thị trường hàng năm cũng dao động trong phạm vi tương tự. Nhưng thực tế, chúng biến động mạnh hơn nhiều.

Mặc dù mỗi năm đều có một số nhà phân tích dám đưa ra những dự báo khác biệt so với mức đồng thuận, nhưng điều này không thường xuyên xảy ra. Thậm chí trong những năm gần đây, khi có nhiều dự báo khác biệt hơn bình thường, biên độ dao động của thị trường vẫn lớn hơn mức dự báo. Trong 8 năm gần nhất thì có tới 7 năm lợi nhuận thực tế của thị trường vượt khỏi phạm vi của tất cả các dự báo được tổng hợp, thường là do họ đánh giá thấp tiềm năng tăng trưởng của chỉ số.

Dự báo và thực tế

Thực tế, xu hướng tương tự không chỉ diễn ra trong giai đoạn dự báo, mà còn kéo dài trong suốt thế kỷ trước. Trong gần một thế kỷ qua, những đợt tăng giảm mạnh xuất hiện thường xuyên hơn nhiều so với những đợt tăng nhẹ một con số. Cụ thể, trong 97 năm, chỉ có 14 năm thị trường tăng trong phạm vi một con số.

Thực tế cho thấy các chiến lược gia trung bình đưa ra dự báo sai lệch hơn 15 điểm phần trăm. Ngay cả những công ty được đánh giá là chính xác nhất cũng có mức sai lệch trung bình lên tới 10 điểm.

Mức chênh lệch giữa dự báo và thực tế của một số ngân hàng đầu tư

Elliott Appel, Chuyen gia hoạch định tài chính tại Madison, Wisconsin, cho biết: "Các nhà dự báo chuyên nghiệp thích phạm vi từ 0 đến 10% vì nó phù hợp với mức trung bình lịch sử. Khách hàng thường dễ chấp nhận một dự báo sai ở mức độ vừa phải hơn là một dự báo cực đoan".

"Bạn sẽ trông thật ngớ ngẩn nếu dự báo tăng 30% nhưng thị trường lại giảm 20%. Ngược lại, nếu bạn dự báo tăng 10% và thị trường giảm 20%, mức chênh lệch sẽ thấp hơn, và bạn có thể dễ dàng đưa ra lý do giải thích cho đà giảm", Appel phân tích thêm. "Bạn có thể kể một câu chuyện nghe có vẻ hợp lý để bảo vệ uy tín của mình."

Vậy với tư cách một nhà đầu tư, bạn nên làm gì khi tiếp cận những dự báo thị trường? Câu trả lời của Elliott đơn giản và thẳng thắn: "Hãy xem đó như một hình thức giải trí, giống như khi xem một trận thể thao vậy”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI


Vietstockからその他のニュース

その他のニュース