GBPNZ04 YẾU TỐ CHỦ CHỐT ĐỂ THÀNH CÔNG TRONG GIAO DỊCH NGOẠI HỐI

04 YẾU TỐ CHỦ CHỐT ĐỂ THÀNH CÔNG TRONG GIAO DỊCH NGOẠI HỐI

4 yếu tố để thành công với giao dịch ngoại hối

Hầu hết mọi người đều phức tạp hóa việc giao dịch hơn mức cần thiết, theo quan điểm của tôi.

Không hề dễ dàng gì để kiếm được tiền (trong dài hạn) với giao dịch ngoại hối, nhưng sẽ dễ hơn nếu chúng ta ngồi lại và chọn ra những điểm quan trọng nhất để tập trung vào.

Trong bài viết lần này, tôi liệt kê ra chỉ 4 yếu tố, và muốn bạn thật tập trung vào những yếu tố này. Nếu bạn đang dành thời gian và sức lực tập trung vào những điều khác trong giao dịch ngoài 4 yếu tố này, bạn đang làm việc giao dịch của mình trở nên phức tạp hơn và không nhất thiết phải mất thời gian như thế.

Với những bạn mới bước chân vào con đường giao dịch ngoại hối hay với những bạn đang gặp khó khăn và mất tiền cho thị trường này, đây là bài viết sẽ giúp ích được cho bạn rất nhiều đấy, đó luôn là điều tôi hi vọng.

Chiến lược điểm vào

Điều đầu tiên khi nói về việc này, là tôi lưu ý với bạn rằng : bạn chỉ cần duy nhất 01 chiến thuật cho bản thân mình, và nó càng đơn giản càng tốt.

Rất nhiều traders không biết chiến thuật của họ là gì, họ cứ loanh quanh đi kiếm và thử hết chiến thuật này đến chiến thuật khác. Tệ hơn, họ còn trộn lẫn các chiến thuật với nhau, lấy râu ông này cắm vào cằm bà kia, mỗi thứ thêm bớt 1 tí. Việc này chắc chắn khiến bạn bị loạn và rất có thể nó là lí do đầu tiên khiến bạn mất tiền trong thị trường giao dịch ngoại hối.

Vậy, thứ mà bạn cần tập trung đầu tiên là có cho mình 1 chiến lược / chiến thuật / phương pháp giao dịch phù hợp. Tôi khuyên bạn nên theo đuổi price action, nó đơn giản và rất hiệu quả. Và cho dù bạn sử dụng phương pháp nào, hãy làm chủ nó, thật hiểu về nó, cho đến khi bạn không cần đặt các câu hỏi khi quyết định có vào hay thoát một lệnh giao dịch không.

Có 1 câu nói cổ của phương Tây là : “thành công đến khi sự chuẩn bị kỹ lưỡng được gặp những cơ hội”. Nếu như bạn không có sự chuẩn bị thật tốt về chiến thuật thì khi những cơ hội tốt xuất hiện trên thị trường, bạn sẽ chẳng thể nắm bắt được chúng.

Phần khó ở đây là : bạn chỉ ném tiền vào thị trường khi và chỉ khi hệ thống của bạn xác nhận trên thị trường. Và chúng ta bước sang yếu tố cực kỳ quan trọng tiếp theo …

Kỷ luật

Tôi hay nghĩ về hình ảnh ẩn dụ về kỷ luật giống như một thứ keo kết dính những khía cạnh trong phương pháp của bạn.

Bạn cần học cách kiểm soát kỷ luật để luôn gắn chặt với phương pháp giao dịch, chiến lược quản lý tiền (rủi ro), chiến lược điểm thoát (chốt lệnh)…

Tính kiên nhẫn và kỷ luật là 2 thứ gần như tương đồng, là một, trong giao dịch. Bạn cần phải (cực kỳ) kiên nhẫn để chờ đợi cơ hội tốt nhất xuất hiện và bạn cần phải kỷ luật để kiên nhẫn. Bạn không thể có sự kiên nhẫn nếu không có kỷ luật, bạn cần cả 2 thứ, nên hãy tập trung vào tính kỷ luật.

Đừng biến việc này trở nên phức tạp, bạn chỉ đơn giản là thật hiểu phương pháp giao dịch của mình và có một kỷ luật tốt để chờ cho đến khi thị trường cho bạn một cơ hội tốt để thực hành phương pháp của bạn. Bạn hiểu ý tôi nói ở đây chứ?

Kỷ luật cũng là bạn (hạn chế tối đa) không can thiệp vào những lệnh đã vào trên thị trường. Việc can thiệp vào lệnh sau khi đã vào chứng tỏ bạn đang phủ định chính chiến lược và phương pháp của bạn, bạn không tin tưởng nó.

Sự thật trớ trêu ở đây là thật khó cho hầu hết mọi người vào lệnh rồi tắt máy tính đi làm việc khác, ngược lại, mọi người thường ngồi lỳ và hồi hộp quan sát số tiền trồi sụt trong tài khoản, và rất rất có thể, họ sẽ táy máy cắt lỗ / chốt lời sớm hơn kế hoạch đã đề ra rất nhiều. Và đó chính là con đường mất tiền, kể cả trong ngắn hạn hay dài hạn.

Việc giữ vững kỷ luật thật khó khăn, chúng ta chẳng hề có một vị sếp hay đốc công nào cầm roi quất vào mông bên cạnh, tất cả chỉ là ta chiến đấu với chính bản thân mình. Mà thường thì ta lại quá dễ dàng nuông chiều bản thân. Tuy nhiên nếu muốn trở thành một trader thành công, thành người nằm trong số phần trăm ít ỏi kiếm được tiền từ thị trường ngoại hối, bạn cần làm được những điều mà đại đa số mọi người không làm được. Hãy luôn nhắc nhở và rèn luyện mình giữ vững kỷ luật.

Quản lý TIỀN

Bao gồm : quản lý rủi ro, việc bạn quản lý số tiền to nhỏ là bao nhiêu, và việc bạn sẽ làm gì với số tiền lãi nếu bạn có được chúng ?

Bước đầu tiên là việc bạn xác định trước số tiền đặt rủi ro cho 1 lệnh giao dịch là bao nhiêu?

Bạn cần hết sức thoải mái với số tiền rủi ro này, việc mất nó không khiến cảm xúc bạn thay đổi gì nhiều thì đó là số tiền hợp lý. Bạn cũng cần đảm bảo số tiền rủi ro này có thể mất được ít nhất vài lần trước khi bạn cháy tài khoản, vì phương pháp của bạn cần một chuỗi lệnh giao dịch để biết được nó có hiệu quả hay không.

Tôi có một ví dụ nếu như bạn cần lời khuyên như sau : số tiền rủi ro cho mỗi lệnh nên được đảm bảo làm sao tài khoản của bạn có thể chịu đựng được ít nhất 40 lệnh thua liên tiếp. Bạn có 3000$ trong tài khoản, bạn có thể đặt rủi ro cho mỗi lệnh là 50$. Trong trường hợp bạn thua liền tù tì 20 lệnh, bạn vẫn còn 2000$ trong tài khoản.

Trong trường hợp nếu bạn thua (gần như) 1 mạch 20 lệnh liên tiếp, trong khi vẫn thực hiện đúng như phương pháp/chiến thuật, thì nhiều khả năng là nó không hiệu quả rồi. Hoặc có thể do bạn chưa kỷ luật và thực hiện đúng như bạn vẫn nghĩ. Điều quan trọng ở đây là việc bạn không bị cảm xúc chen vào khi đặt mức tiền rủi ro hợp lý, bạn hoàn toàn có thể tắt máy tính, ngủ 1 giấc ngon lành khi vừa mới vào lệnh. Nếu thua thì nó cũng chỉ mất 1 số tiền nhỏ hợp lý so với lượng tiền trong tài khoản thôi mà.

Chìa khóa giúp bạn quản lý rủi ro để tránh cảm xúc bị ảnh hưởng bao gồm :

Đừng bắt đầu với số tiền mà bạn không thể để mất chúng được. Nếu bạn chẳng có tiền gì nhiều, nếu bạn còn đang chật vật kiếm sống, đừng chơi live (thật), hãy trau dồi nghiêm túc với tài khoản demo (ảo).
Đừng bắt đầu với số tiền vượt mức chịu đựng thoải mái của bạn nếu thua. Con số tiền này sẽ phải ở mức mà bạn có thể thoải mái làm việc khác trong khoảng từ 12-24 tiếng sau mới cần kiểm tra lại xem lệnh của mình như thế nào. Bạn hoàn toàn thoải mái khi lệnh của bạn chạm stoploss.
Một khi bạn đến giai đoạn kiếm được lợi nhuận từ thị trường, đừng để số tiền lời ấy quá lâu trong tài khoản. Hãy rút chúng, có thể định kỳ theo tháng hoặc theo một khoản tiền lời nhất định (ví dụ 5000$, 1000$ bạn rút 1 lần, …). Tôi thì khuyên bạn nên rút 50% số tiền lời. Chẳng có lí do gì để không rút tiền về, cầm nó trên tay và cảm nhận sự hữu hình của việc kiếm ra tiền chứ không phải tượng trưng với những con số điện tử trên màn hình vi tính.

Chiến lược điểm ra

Cũng như ở đầu bài viết tôi liệt kê, bạn cần một chiến lược điểm vào, và bạn cũng cần một chiến lược điểm ra. Thường thì mọi người có chiến lược điểm vào nhưng không có điểm ra, hoặc rất ít chú ý đến điểm này. Trong khi, việc xác định trước điểm ra còn có thể quan trọng hơn cả việc bạn xác định điểm vào. Không xác định tốt điểm ra, trader hay bị chốt lời quá sớm và hối tiếc vì để tuột mất một khoản lợi nhuận lớn.

Việc bạn xác định tốt điểm ra phụ thuộc vào trạng thái của thị trường bạn vào lệnh đang như thế nào. Với một thị trường đang có xu hướng (trend) mạnh, bạn nên mạnh dạn để mức rủi ro/lợi nhuận của mình lên mức 1:3 hoặc 1:4 chứ không còn là 1:1 hay 1:2 nữa. Với thị trường đang giằng co trong khoảng hẹp, bạn nên hài lòng với mức lợi nhuận 1:1 – 1:5 – 1:2.

Điều bạn cần lưu ý ở đây là : luôn xác định trước điểm ra trước khi bạn vào lệnh (và tất nhiên rồi, không bao giờ được phép không có điểm cắt lỗ).

———————————————————

04 gạch đầu dòng trên là những gì mà tôi muốn bạn thật sự dành sức lực và thời gian để tập trung vào.

Hãy luôn rèn luyện và tiến bộ mỗi ngày, bạn nhé.

Chặng đường làm trader còn rất rất dài phía trước …
Trend Analysis

免責事項