Giá dầu trong các phiên gần đây dao động trong một biên độ khá hẹp khi thiếu vắng các tin tức đủ mạnh để có thể đưa dầu phá vỡ vùng đi ngang. Các áp lực vĩ mô từ các nền kinh tế lớn vẫn đang là lo ngại chính gây sức ép bán trên thị trường dầu thô. Tuy nhiên, việc giá dầu WTI đang ở sát vùng hỗ trợ 67 USD/thùng, và cũng là vùng giá tương đối thấp, có thể khiến đà giảm chững lại, nhất là khi rủi ro nguồn cung trong giai đoạn tới vẫn còn tiềm ẩn.
Vào tháng 7, Saudi Arabia sẽ chính thức cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng dầu/ngày, bên cạnh việc duy trì chính sách sản lượng thấp trước đó.
Tác động của việc cắt giảm có thể sẽ bị hạn chế bởi nguồn cung dồi dào từ các khu vực khác. Theo các chuyên gia phân tích từ Reuters, xuất khẩu dầu diesel của Trung Quốc trong tháng 7 đang trên đà tăng lên 800.000 tấn trở lên, cao hơn dự báo hồi tháng 6 ở mức từ 500.000 – 637.000 tấn.
Một phần điều này phản ánh nhu cầu tiêu thụ nội địa của Trung Quốc còn yếu, đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của các nhà máy. Ngoài ra, xuất khẩu dầu diesel dồi dào cũng cho thấy nguồn cung cấp dầu thô cho hoạt động lọc dầu vẫn đang được đảm bảo ổn định, nhất là khi Trung Quốc gia tăng nhập khẩu dầu từ Nga. Điều đó hạn chế một số lo ngại về nguồn cung suy yếu, nên giá dầu sẽ không được hỗ trợ quá mạnh khi các thành viên khác của OPEC cắt giảm sản lượng.
Trong ngày hôm nay, giá dầu có thể sẽ được hỗ trợ và lấy lại đà tăng nếu như báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đồng thuận với báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) vào sáng nay. Nhiều khả năng tồn kho xăng dầu sẽ giảm, do trước đó, Hiệp hội ô tô Hoa Kỳ ước tính 43 triệu người sẽ lái xe 50 dặm trở lên vào kỳ nghỉ lễ độc lập ngày 4/7 sắp tới, cao hơn 4% so với năm 2019. Kỳ vọng tiêu thụ khởi sắc hơn trong dịp Lễ sắp tới tại Mỹ nhiều khả năng sẽ kéo tồn kho suy yếu.
Chart PatternsTechnical IndicatorsOilTrend Analysis

免責事項